Furoshiki – Gói quà bằng khăn – Nghệ thuật độc đáo của Nhật Bản
Mục lục bài viết
Trong văn hóa tặng quà phong phú của châu Á, Nhật Bản nổi bật với một cách gói quà độc đáo và thân thiện với môi trường – Furoshiki. Nghệ thuật này không chỉ là cách để bảo vệ và trang trí món quà, mà còn là biểu tượng của sự tôn trọng và tinh tế trong văn hóa Nhật Bản.
1. Đôi nét về Furoshiki
Furoshiki là nghệ thuật gói quà bằng vải độc đáo của người Nhật, đã xuất hiện từ thời Nara – tại thời này, người ta đã dùng nó để gói những vật phẩm quý giá như vàng bạc châu báu.
Ứng dụng đến ngày nay thì Furoshiki dùng để bọc, gói quà tặng, đồ dùng cá nhân, vận chuyển mọi thứ, từ thức ăn, hàng hóa mua sắm đến đồ mỹ nghệ. Đặc biệt Furoshiki có thể tái sử dụng nhiều lần.
Furoshiki đã được phát triển để đạt đến giá trị thẩm mỹ cao nhưng vẫn không làm mất đi ý nghĩa ban đầu. Furoshiki hòa hợp giữa vẻ đẹp và chức năng – là nét văn hóa xứ Phù Tang ứng dụng cuộc sống thường ngày.
2. Chất liệu và ý nghĩa họa tiết trên Furoshiki
Furoshiki được làm từ nhiều chất liệu khác nhau như lụa, vải bông hoặc sợi tổng hợp…, và kích thước của Furoshiki còn tùy thuộc vào đồ vật bên trong, từ hộp bánh, kẹo, quyển sách, rượu, cho đến chăn bông chậu cây,…. Hiện nay, Furoshiki có khoảng 100 cách gói khác nhau.
Mỗi họa tiết trên tấm Furoshiki đều mang một ý nghĩa riêng, thường thể hiện những mong ước về cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc, phổ biến là:
Họa tiết Cá chép vượt Vũ môn: Biểu tượng cho sự kiên trì, bền bỉ, ý chí vươn lên và thành công. Thường được dùng trong các dịp mừng thọ, chúc mừng sự nghiệp.
Hoa mai: Biểu tượng cho sự tinh khiết, thanh lịch và mùa xuân. Thường được dùng trong các dịp lễ tết, chúc mừng năm mới.
Họa tiết Chim ưng và bão biển: Tượng trưng cho sự dũng cảm, mạnh mẽ và quyết đoán. Thường được dùng trong gói quà mừng gia chủ sinh con trai với lời chúc mong ước cậu bé sẽ có lòng quả cảm, thường là quà tặng cho nam giới.
Họa tiết Vụ mùa bội thu: Với mong ước sự sung túc, đông con nhiều cháu thường được dùng gói quà trong dịp lễ tết.
Họa tiết Châu báu: Ý nghĩa tượng trưng cho hạnh phúc và thịnh vượng bao gồm hình “bảy kho báu”, áo choàng kỳ diệu, ví tiền, mô típ cây đinh hương và ngọc. Thường được dùng trong các dịp lễ tết hoặc mừng thọ.
Họa tiết Rễ cỏ đan xen: Tượng trưng cho sự gắn kết, bền vững và hạnh phúc lâu dài. Thường được dùng trong các dịp lễ cưới hoặc tặng quà cho người thân yêu.
3. Ý nghĩa văn hóa trong nghệ thuật tặng quà Furoshiki
Trong văn hóa Nhật Bản, nghệ thuật tặng quà Furoshiki không chỉ đơn thuần là cách gói một món quà, mà còn là một biểu hiện tinh tế của triết lý sống và giao tiếp xã hội.
Gói quà bằng khăn Furoshiki một cách chỉnh chu, gửi gắm ý nghĩa, tấm lòng vào món quà hể hiện được sự tôn trọng và quan tâm đến người nhận.
Để có một món quà hoàn chỉnh, kỹ thuật gói rất quan trọng và điều này thể hiện sự thẩm mỹ, tinh tế của người tặng và tạo ấn tượng dành cho người nhận.
Đặc biệt, sử dụng Furoshiki tái sử dụng được nhiều lần, truyền tải thông điệp về bảo vệ môi trường.
Tạm kết
Furoshiki không chỉ đơn thuần là một cách gói quà, mà còn là một nghệ thuật, một văn hóa. Bằng việc học và thực hành nghệ thuật gói quà này, bạn không chỉ tạo ra những món quà độc đáo mà còn góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống của Nhật Bản. Hãy cùng nhau lan tỏa tình yêu đối với Furoshiki và biến những món quà của mình trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết.